TRỊNH CÔNG SƠN VÀ QUY NHƠN

Tháng Bảy 10, 2021

Trịnh Công Sơn là ai?

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939, mất ngày 1 tháng 4 năm 2001, là một nhạc sĩ lớn của nền ca nhạc nhẹ Việt Nam. Nhạc của ông rất dễ hiểu, dễ đi vào lòng người như những lời tâm tình, triết lý, nhân sinh nói về tình yêu và thân phận con người.

Tác phẩm của Trịnh Công Sơn là một gia tài đồ sộ, ước chừng khoảng trên 600 ca khúc. Trong đó có khoảng hơn 230 ca khúc được hát phổ biến rộng rãi.
Nhiều ca sĩ hát nhạc của Trịnh Công sơn. Người thành danh và tên tuổi gắn liền với nhạc của ông có ca sĩ Khánh Ly. Ngoài ra còn có Trịnh Vĩnh Trinh, Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Quang Dũng, …
Trịnh Công Sơn không chỉ là nhạc sĩ, ông còn là họa sĩ, thi sĩ, diễn viên và ca sĩ không chuyên.
Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn và Quy Nhơn

Quy Nhơn không phải là nơi ông sinh ra. Quy Nhơn là nơi ông đã từng sống và học tập tại trường Sư phạm Quy Nhơn, nay là Đại học Quy Nhơn trong 2 năm 1963-1964.
Quy Nhơn đã để lại dấu ấn lớn trong sự nghiệp sáng tác của Trịnh Công Sơn sau này. Nhiều ca khúc bất hủ đã được sáng tác tại phố biển Quy Nhơn như Biển Nhớ, Diễm Xưa, Biển nghìn thu ở lại,…
Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn – Những năm tháng tại trường Sư Phạm Quy Nhơn

Đôi nét về tiểu sử Trịnh Công sơn

Trịnh Công sơn sinh ra ở làng Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lớn lên tại Huế, sau đó ông vào Sài Gòn học triết học phương Tây, tốt nghiệp tú tài tại Sài Gòn.
Vì trốn lính, ông thi ngành tâm lý giáo dục trẻ em tại trường sư phạm Quy Nhơn và học 2 năm tại Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp ông dạy học tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Trịnh Công Sơn không lập gia đình, mặc dù ông có nhiều mối tình đẹp với cả phụ nữ Việt Nam và nước ngoài.
Cũng có một vài lần có dự định kết hôn rồi thôi. Tính ông rất ngại làm phiền người khác, kể cả người sẽ là bạn đời vì ông ăn ít, ngủ ít, sinh hoạt không ổn định giờ giấc. Có khi nửa đêm có ý tưởng gì mới, ông bật dậy viết đến sáng.
Nhiều bản nhạc của Trịnh Công Sơn được công chúng Nhật Bản đón nhận nồng nhiệt từ năm 1970, qua tiếng hát Khánh Ly biểu diễn bằng tiếng Nhật và tiếng Việt như: Diễm xưa, Ca dao mẹ, Ngủ đi con. Riêng bài Ngủ đi con đã phát hành 2.000.000 đĩa nhựa.
Nhiều ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn bị cấm ở cả hai bên chính quyền Việt Nam cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam bởi bị cho rằng tính ủy mị sẽ làm nản lòng chiến sĩ.
Sau giải phóng miền Nam 30/4/1975 Ông lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối vòng tay lớn và kêu gọi người dân miền Nam Việt Nam ủng hộ chính quyền cách mạng.
Sau thời gian học tập chính trị Trịnh Công Sơn làm việc tại Hội Âm Nhạc thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Sóng Nhạc.
Từ những năm thập niên 80’ ông bắt đầu sáng tác các ca khúc cách mạng như ” Em ở Nông Trường ra Biên Giới, Huyền thoại mẹ, Ánh sáng Mac-tư-khoa , Em là hoa hồng nhỏ, Mẹ đi vắng, Em đến cùng mùa xuân, Tiếng ve gọi hè, Tuổi đời bên mênh mông, Tết khăn quàng, Thắp sáng Bình Minh, Như hòn bi xanh, Đời sống không có già,…
Ông qua đời vì bệnh gan, tiểu đường, thận vào ngày cá nước – Ngày nói dối 1/4/2001 tại thành phố Hồ Chí Minh. Hàng ngàn người đưa tiễn ông trong sự thương tiếc một nhân tài một con người bình dị.
Từ khi còn trẻ, Trịnh Công Sơn luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Khi sáng tác trong âm nhạc của ông mang sự mất mát của những số phận con người.
Tư tưởng Phật giáo của phương Đông và chủ nghĩa siêu thực của phương Tây trong nhạc của ông đượm sắc hiện sinh, buồn bã,…
Hiện nay bản quyền tác phẩm của Trịnh Công Sơn thuộc quyền thừa kế và sở hữu trí tuệ cho Trịnh Vĩnh Trinh, em gái ông cũng là người hát nhạc ông, Trịnh Xuân Tình, em trai ông đang định cư tại Mĩ.
Trịnh Công Sơn cho rằng: “ Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.
Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn cùng nhóm bạn văn nghệ tại trường Sư phạm Quy Nhơn

Trịnh Công Sơn và Quy Nhơn

Trịnh Công Sơn học khóa I của trường Sư phạm Quy Nhơn. Lúc đó thầy Đinh Thành Chương được cử làm hiệu trưởng của trường. Biết tài năng của nhóm sinh viên từ Huế, thầy Chương giao cho họ tổ chức các hoạt động văn nghệ để khai giảng khóa sư phạm đầu tiên của trường.
Trương Văn Thanh được bầu trưởng ban văn nghệ, cùng nhóm với Trịnh Cộng SơnThanh Hải, La Quang Thanh, Lê Thị Ngọc Trinh, Phan Thị Thăng, Bích Khê, Bạch Tuyết, Bạch Vân ( Em bạch Tuyết ), Nguyễn văn Duệ,… Trường Quy Nhơn tổ chức đại nhạc hội 3 đêm liền tại rạp Kim Khánh thành công.
Trịnh Công Sơn ở cùng hai người bạn cùng học tại trường sư phạm Quy Nhơn chung một phòng trọ ở 70 đường Gia Long – Đường Trần Hưng Đạo ngày nay.
Những ngày nóng bức, mấy anh em lên lầu đàn hát đến khuya. Trịnh Công Sơn rất thích hát những bài như Sometime, dân ca của người da đen ở miền nam nước Mĩ, Ave Marie của Bruno, các bản nhạc Blue.
Những âm hưởng nhạc này phảng phất trong những sáng tác của Sơn tại phố biển Quy Nhơn. Thời gian học ở Quy Nhơn ( 1963 – 1964 ) là giai đoan ông sáng tác nhiều nhất.
Ngồi trên bờ biển Quy Nhơn cùng các bạn trong ban văn nghệ của trường, ông hút thuốc, uống rượu, sáng tác. Đôi lúc lấy giấy từ gói thuốc lấy que diêm làm bút kẻ xuống những dòng nhạc. Thời ấy ông chưa cho xuất bản nhưng các bạn ông đều thuộc.
Hoa buồn, Chiều chủ nhật buồn, Vết lăn trầm, Nắng thủy tinh, Cát bụi, Biển nhớ là một câu chuyện tình rất nên thơ ông sáng tác tại thành phố biển Quy Nhơn.
Hoạt động văn nghệ tại trường sư phạm quy Nhơn ngày ấy rất sôi nổi, có Bích Khê người Nha Trang. Trịnh Công Sơn khen Bích Khê mi-nhon và thầm thương trộm nhớ cô.
Mùa hè 1963, ba anh em văn nghệ Sơn, Thanh, Hải không về quê. Bích Khê về Nha Trang nghỉ hè cùng gia đình. Đêm chia tay Bích Khê, Trịnh Công Sơn hết sức xúc động. Ngồi trên bờ biển Quy Nhơn, đượm buồn hướng về phố biển Nha Trang, Trịnh Công Sơn bắt đầu viết : “ Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về” “ Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng” … Lúc bấy giờ phố phường Quy Nhơn thắp đèn vàng chứ không dùng đèn led như hiện nay.
Trịnh Công Sơn rất kín đáo nhưng bạn bè anh lúc đó đều biết anh dùng hai từ “sơn khê” trong câu:
“Trời cao níu bước sơn khê” là có ý ghép tên anh và tên người anh yêu Bích Khê.
Ngoài Bích Khê, Trịnh Công Sơn cũng có cảm tình với Phan Thị Thăng – người có giọng hát nhạc Trịnh đạt nhất tại Quy Nhơn lúc bấy giờ. Phan Thị Thăng là người đầu tiên hát bài Chiều một mình qua phố trên Đài phát thanh Quy Nhơn làm xao xuyến bao trái tim. Thăng có chất giọng đặc biệt. Trịnh Công Sơn mong muốn Thăng hát nhạc của anh, nhưng tiếc rằng sau khi tốt nghiệp, gia đình của Thăng không muốn Thăng theo nghiệp ca hát mà muốn Thăng đi dạy. Nếu không Phan Thị Thăng có thể sẽ nổi tiếng bất hũ với sự giúp đỡ của Trịnh Công Sơn.
Ngoài Phan Thị Thăng, còn có Lê Thị Ngọc Trinh người bạn từ Huế của Trịnh Công Sơn. Trong các buổi trình diễn văn nghệ Sơn đã dành bài Lời Mẹ Ru để Ngọc Trinh cùng Bích Phương song ca. Sơn rất thích chất giọng Huế nhẹ nhàng của Ngọc Trinh. Về sau, Ngọc Trinh và Trịnh Công Sơn đều được phân bổ lên dạy học ở B’lao. Ở đó, Ngọc Trinh lại có dịp hát những bài hát mới của Trịnh Công Sơn sáng tác ở Cao nguyên bụi đỏ sương mù B’lao trong những năm 1964-1965.
Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn và những bóng hồng

Trịnh Công Sơn gắn bó với phố biển Quy Nhơn những năm sáng tác sung sức của ông. Giai đoạn này rất quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của ông sau này .
Trịnh Công Sơn có viết một bài duy nhất về Quy Nhơn tựa đề “ Về một thành phố tôi đã xa”. Bài viết tuy không dài nhưng đã giải thích được sự ra đời của nhiều bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn như: Biển Nhớ, Diễm Xưa “ Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ… “, Nhìn những mùa thu đi,…

Dưới đây là toàn bộ bài viết của Trịnh Công sơn về Quy Nhơn:

“Về một thành phố tôi đã xa
Gần ba mươi năm tôi chưa trở lại với Quy Nhơn. Cái ý niệm về thời gian bao giờ cũng gây cho tôi một nỗi buồn. Dạo ở đó tôi còn trẻ và tôi yêu biển vô cùng. Biển nhớ là bài hát tôi viết cho những đường phố Quy Nhơn. Những đường phố và biển và một người bạn gái hằng đêm cùng tôi ngồi nhìn biển. Điều ấy bây giờ đã trở thành quá khứ nhưng trong tôi Quy Nhơn vẫn còn rõ như một tấm gương. Một tấm gương mà tôi có thể nhìn thấy tôi trong ấy. Tôi soi vào quá khứ và tôi nhìn thấy tôi ở biển trong những ngày biển động và biển lặng. Tôi nhìn thấy tôi lang thang trên đường phố Quy Nhơn một mình. Một mình đánh billard ở đường Võ Tánh. Một mình nằm ngủ trong căn nhà trọ vào giờ giấc mà mọi người sum họp vui vầy với nhau.
Dạo ấy còn trẻ mà sao cô đơn quá sức. Thỉnh thoảng người bạn gái đến gọi cửa trong giấc ngủ lưng chừng và bảo tôi đêm nay trăng đẹp quá hãy ra ngoài biển ngồi chơi. Biển Quy Nhơn đẹp nhưng hơi bẩn. Người bạn ấy bây giờ chồng con bề bộn hay nhàn nhã, không hiểu khuôn mặt ấy giờ đây như thế nào. Đừng nhắc lại quá khứ vì mỗi lần nhắc lại thì lòng trống trải buồn thiu.
Có những căn nhà trống gió thổi lùa qua mọi ngõ ngách. Tâm hồn con người cũng có lúc gió lạnh cũng lùa quanh. Đừng nhắc lại dĩ vãng. Nó đẹp nhưng không ích lợi gì cả. Chúng ta sống cho mỗi ngày hôm nay. Hôm nay cũng là quá khứ và chúng ta cố giành giựt với thời gian để biến ngày hôm nay thành một hiện tại vô tận.
Quy Nhơn có những tháp Chàm đứng một mình lặng lẽ nghìn năm “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Cái giấc mộng dài nó buộc con người không được quên và phải nhớ về những dấu tích đã in thành vết không tàn phai trên tâm hồn mỗi con người. Tôi luôn luôn là người đãng trí. Tôi đã quên nhưng vẫn có kẻ tỉnh táo không bao giờ quên bất cứ một điều gì cứ mãi quanh quẩn cuộc đời tôi để nói khẽ vào tai tôi điều tôi không muốn nhớ nữa.
Quy Nhơn không hiểu còn thơ mộng như thời tôi những năm hai mươi tuổi? Cái tuổi ấy nhìn gì mà chẳng đẹp. Tôi vốn yêu người và yêu thiên nhiên. Có thể rất gần đây tôi sẽ chuẩn bị một chuyến trở về Quy Nhơn để tần ngần ngồi nhìn một bờ biển của những ngày xưa, lúc một hạt cát cũng đủ làm tôi cảm động”
Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn – Nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên, ca sĩ

***
Trịnh Công Sơn có nhiều sáng tác về biển đầy cảm xúc. Quy Nhơn, Biển quy Nhơn, ký ức những năm tháng tuổi trẻ tại Quy Nhơn với một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, cô độc và yêu thương tràn vào âm nhạc của Ông.
Quy Nhơn đã dâng tràn trong tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ chắt chiu cho đời những bản tình ca đi cùng năm tháng, cho dù tác giả đã đi về nơi suối vàng, nhạc của ông vẫn được hát, Trịnh Công Sơn vẫn sống trong lòng người yêu nhạc trữ tình Việt Nam và năm châu.
 Nguyễn Thị Xuân Lan – CEO Golden Life Travel
Gọi ngay để được tư vấn
Hoặc gửi yêu cầu tư vấn

    Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn